Chất lượng giáo dục nghề là cốt lõi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(Chinhphu.vn) – Năm nay cả nước tuyển được 2.280 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch. Năm 2021, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) dự kiến tuyển sinh 2,5 triệu người và sẽ nâng cao chất lượng đào tạo bắng áp dụng chuyển đổi số.

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH cho cán bộ , nhân viên Tổng cục GDNN – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngày 28/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Theo đó, năm 2021, hệ thống GDNN dự kiến tuyển sinh 2,5 triệu người, trong đó: cao đẳng 260 nghìn người; trung cấp 340 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 1,9 triệu người.

Theo dự thảo khung đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp như một quốc gia thu nhỏ, toàn bộ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo viên, học viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đến năm 2030, hoạt động giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ các nước ASEAN-4.

Cụ thể, đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Khoảng 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn. Đặc biệt, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo GDNN; tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030. Hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng mở, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào GDNN; phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm 40%. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN… Thực hiện đào tạo đặt hàng theo đầu ra; tăng cường kiểm định, hậu kiểm theo hướng trả chi phí theo đầu ra; sớm chấm dứt việc đăng ký, giao chỉ tiêu hoạt động GDNN. Chú ý kết nối cung cầu lao động, hạn chế tối đa tình trạng đào tạo không gắn với cung cầu của thị trường lao động.Tổng cục GDNN cần chú ý việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp với ngành dệt may, giày da thực hiện thí điểm đào tạo và đào tạo lại từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp giao cho các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo. Phối hợp với Bộ GD&ĐT tham mưu sớm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở GDNN.

Nguồn: Báo chính phủ