Trải qua 5 mùa tổ chức thành công, năm nay, Diễn đàn quốc tế Franconomics trở lại với chủ đề “Năng lượng tái tạo: Kịch bản cho tương lai xanh”. Sự kiện được Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Trí tuệ Môi trường (CEI), trường Đại học VinUni và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đồng tổ chức với sự đồng hành của Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3; Quỹ Vì tương lai xanh; Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD); Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam; Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) và Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Franconomics – 2024 có sự tham dự của đại diện các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, trường Đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ từ khắp nơi trên thế giới.
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Diễn đàn hân hạnh đón tiếp PGS. TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc; PGS.TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển; PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm, Phó Trưởng Ban Xúc tiến và Đầu tư, kiêm Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (CSK).
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, PGS. TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh vai trò tiên phong của IFI trong việc tổ chức và phát triển Diễn đàn quốc tế Franconomics. Được khởi xướng từ năm 2019, đến nay Franconomics đã trở thành thương hiệu uy tín không chỉ của IFI, của ĐHQGHN mà còn của cả Cộng đồng Pháp ngữ. Theo Phó Giám đốc Đào Thanh Trường, trong nửa thập kỷ qua, Diễn đàn đã mang đến nhiều cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, đồng thời mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế và đổi mới. Năm 2024, với chủ đề “Năng lượng tái tạo: Kịch bản cho tương lai xanh”, sự kiện tập trung vào các thảo luận và giải pháp về năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang trở thành một ưu tiên toàn cầu. PGS. TS. Trường tin rằng, với sự tham gia của các đối tác quốc tế và các chuyên gia đầu ngành, Franconomics – 2024 sẽ tiếp tục đóng góp những thông tin, kiến thức giá trị và tạo ra các giải pháp thiết thực, không chỉ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà còn hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường.
PGS. TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQGHN
Thay mặt ngài Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tại châu Á-Thái Bình Dương, bà Adjara Diouf, Điều phối dự án “Thúc đẩy du lịch bền vững” biểu dương những đóng góp của IFI trong việc cùng OIF đồng tổ chức Diễn đàn Franconomics suốt 5 năm qua. Bà khẳng định Franconomics đã trở thành một sự kiện truyền thống, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực nhằm thảo luận các vấn đề cấp bách liên quan đến phát triển bền vững, trong đó nổi bật là năng lượng tái tạo. Thêm vào đó, bà Diouf nhấn mạnh chủ đề “Năng lượng tái tạo: Kịch bản cho tương lai xanh” của Franconomics – 2024 có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 7 của Liên Hợp Quốc về đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người. Đại diện OIF cũng cho biết Tổ chức đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng chiến lược và chính sách năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, du lịch bền vững cũng là lĩnh vực đang được OIF đặc biệt quan tâm thông qua các dự án như “Destination Eco-Talents”. Dự án này tập trung vào việc xây dựng các trung tâm đa chức năng tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, để nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển năng lực cho cộng đồng địa phương. OIF tin rằng, du lịch bền vững sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên và phụ nữ, đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Bà Adjara Diouf, Điều phối dự án “Thúc đẩy du lịch bền vững”, thay mặt ngài Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tại châu Á-Thái Bình Dương
Tiếp nối chương trình, Ngài Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã khẳng định mối quan hệ hợp tác vững mạnh giữa hai nước, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tô Lâm đến Pháp. Ngài Brochet cho biết Pháp cam kết trở thành đối tác chiến lược, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Ngài Đại sứ đã đề cập đến các sáng kiến cụ thể, như cơ chế hợp tác đa phương “Partenariat pour une transition énergétique juste (JETP)”, với khoản tài trợ 500 triệu EUR để giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu về trung hòa carbon và giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch cũng góp phần vào tăng trưởng bền vững cho cả hai quốc gia. Cuối cùng, Ngài Olivier Brochet nhấn mạnh Diễn đàn Franconomics – 2024 do IFI chủ trì là cầu nối cho các thảo luận sâu sắc về năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, từ đó góp phần thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Ngài Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam
Ông Laurent El Ghaoui, Giám đốc khoa học Trung tâm Trí tuệ môi trường (CEI), trường Đại học VinUni đã trình bày tầm nhìn của trường là trở thành một trường đại học hàng đầu về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới, góp phần phát triển nhân lực và các giải pháp bền vững cho những thách thức xã hội. Trong đó, CEI đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường thông qua ba chủ đề nghiên cứu chính: giám sát môi trường, thành phố thông minh, và khám phá vật liệu dựa trên trí tuệ nhân tạo. Tại Franconomics-2024, ông El Ghaoui cũng đề cao vai trò của năng lượng tái tạo, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Đồng thời, ông khuyến khích thế hệ trẻ tham gia lãnh đạo các sáng kiến bền vững, đặc biệt là thông qua các cuộc thi như ÉCOJEUNES 2024.
Ông Laurent El Ghaoui, Giám đốc khoa học Trung tâm trí tuệ môi trường (CEI), trường Đại học VinUni
Trong bài phát biểu của mình, ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ của Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), đã chia sẻ cam kết của Lyon 3 đối với chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Cụ thể, Đại học Jean Moulin Lyon 3 đã xây dựng Trường Chuyển đổi Sinh thái nhằm đào tạo thế hệ sinh viên có kiến thức và kỹ năng để đối mặt với các thách thức về tăng trưởng xanh. Thêm vào đó, chương trình giảng dạy cũng thường xuyên được lồng ghép các vấn đề môi trường với mục đích trang bị cho tất cả sinh viên năng lực về phát triển bền vững. Ông Jobert cũng đề cập tới vai trò quan trọng của Diễn đàn Franconomics trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về năng lượng tái tạo và trách nhiệm xã hội. Sự kiện này không chỉ kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu mà còn tạo ra một nền tảng để xây dựng các giải pháp thực tiễn cho tương lai bền vững.
Ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ của Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF)
Ông Conan Hervé, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, đã chỉ ra thực trạng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Ông nêu ví dụ về cơn bão Yagi tại miền Bắc Việt Nam, để lại hậu quả nặng nề, là minh chứng cho những tác động tiêu cực của khí hậu cực đoan. Trước những thách thức này, ông Hervé khẳng định mỗi quốc gia đều có trách nhiệm trong việc giảm lượng phát thải carbon và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ thế hệ tương lai. Tại Việt Nam, AFD đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, điện gió và điện mặt trời, góp phần giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Conan Hervé, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam
Từ đầu cầu Pháp, ông Nicolas Maïnetti, Giám đốc Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF) AUF khu vực châu Á – Thái Bình Dương đánh giá cao chủ đề của Franconomics năm nay. Theo ông Maïnetti, năng lượng tái tạo là chủ đề “nóng” trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt trên toàn thế giới. Báo cáo của GIEC đã chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa biến đổi khí hậu và việc sử dụng năng lượng hóa thạch, do đó, quá trình khử carbon và chuyển đổi xanh là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ cộng đồng doanh nghiệp đến các trường đại học. Giám đốc AUF khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đặc biệt ấn tượng với cuộc thi “ÉCOJEUNES 2024”, nơi thế hệ trẻ được khuyến khích đóng góp vào các giải pháp bền vững cho tương lai. Cuối cùng, ông bày tỏ hy vọng rằng Diễn đàn quốc tế Franconomics sẽ tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững trên toàn cầu.
Ông Nicolas Maïnetti, Giám đốc AUF khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Với vai trò Trưởng Ban Tổ chức, TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN đặc biệt nêu cao tầm quan trọng của chủ đề Franconomics năm nay, xoay quanh năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Ông nhận định rằng việc tập trung vào các kịch bản năng lượng xanh không chỉ phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu mà còn góp phần quan trọng vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và quốc tế. Tiếp đó, Chủ nhiệm Khoa khẳng định Diễn đàn quốc tế Franconomics-2024 tiếp tục duy trì vai trò là diễn đàn kết nối giữa các doanh nghiệp, trường đại học và chính phủ, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước thuộc khu vực Bắc-Nam và Nam-Nam. Sự kiện năm nay thu hút sự tham gia đông đảo từ các tổ chức quốc tế, trường đại học và các chuyên gia, với hai trọng tâm chính: năng lượng tái tạo và du lịch bền vững. Đặc biệt, cuộc thi ÉCOJEUNES 2024, dành cho các bạn trẻ là một điểm mới nhằm khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo vệ môi trường và hướng tới một tương lai xanh. Bên cạnh đó, TS. Phùng Danh Thắng nhấn mạnh vai trò của Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quốc tế. Với các chương trình thạc sĩ và cử nhân, IFI đã và đang thu hút một số lượng lớn sinh viên quốc tế từ hơn 20 quốc gia. Việc mở rộng các chương trình mới như Kinh doanh số và Truyền thông số là minh chứng cho cam kết của IFI trong việc tiên phong quốc tế hóa và phát triển đa ngành.
Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ
Sau phần phát biểu khai mạc, phiên toàn thể của Diễn đàn đã diễn ra với sự tham gia diễn thuyết của các diễn giả: Ông Pierre Du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Trưởng Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Cơ quan Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) với chủ đề “Chính sách năng lượng của vùng Wallonie-Bruxelles (Bỉ) và các kinh nghiệm cho Việt Nam”; ông David Falcon Adasme, Giám đốc Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), Vinfast với chủ đề “Chuyển đổi xanh tại Vingroup”; ông Arnaud Dubrac, Chuyên gia về năng lượng tái tạo, Expertise France, Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam; Thư ký phụ trách chính Chương trình dịch chuyển năng lượng của Châu Âu tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam với chủ đề “Phát triển năng lượng tái tạo trên toàn thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững”.
Diễn giả Pierre Du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Trưởng Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Cơ quan Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF)
Diễn giả Arnaud Dubrac Chuyên gia về năng lượng tái tạo, Expertise France, Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam; Thư ký phụ trách chính Chương trình dịch chuyển năng lượng của Châu Âu tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Diễn giả David Falcon Adasme, Giám đốc Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), Vinfast
Sau phiên toàn thể là ba không gian diễn ra song song gồm hai không gian thảo luận chuyên đề và vòng Chung kết cuộc thi “ÉCOJEUNES 2024 – Thanh niên cam kết vì tương lai xanh” với sự tham gia của các học giả, chuyên gia, học sinh, sinh viên từ nhiều quốc gia trên thế giới tham dự trực tiếp và trực tuyến qua Zoom.
Không gian 1 “Năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững” do PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giảng viên cao cấp ngành Công nghệ và Chính sách năng lượng; nguyên Phó Hiệu trưởng, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) và TS. Nguyễn Thế Vĩnh, Giảng viên Khoa học năng lượng, VNU-IFI làm chủ tọa có sự tham gia của các diễn giả:; ông Arnaud Dubrac, Chuyên gia về năng lượng tái tạo, Expertise France, Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam; Thư ký phụ trách chính Chương trình dịch chuyển năng lượng của Châu Âu tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Phan Bá Đức, Chuyên gia Tư vấn Chuyển đổi số và Phát triển bền vững – khối Nghiệp vụ Doanh nghiệp tại FPT Digital; TS. Bùi Thị Thanh Hương, Giảng viên Giáo dục môi trường, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN; ThS. NCS. Hoàng Văn Hiệp, Chuyên gia năng lượng tái tạo Địa nhiệt, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN..
Không gian 1 “Năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”
Không gian 2 “Năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh và du lịch bền vững” do TS. Đặng Hồng Khanh, Giảng viên Khoa học chính trị, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) – Đại học Jean Moulin Lyon 3 và TS. Phí Thị Linh Giang, Trợ lý giáo sư, Giảng viên chuyên ngành Du lịch & Khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni làm chủ tọa có sự tham gia của các diễn giả: ông Ibrahima Dabo, Điều phối dự án, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF); PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; bà Nathalie Patrat, Giám đốc Điều hành chương trình l’ESG Act, Trường Quản lý Phát triển bền vững, CH Pháp; TS. Thierry Vincent, Giám đốc chương trình đào tạo MBA về Chuyển dịch năng lượng, DeVinci Executive Éducation, CH Pháp, ông Vũ Văn Tuyên, CEO – Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam.
Không gian 2 “Năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh và du lịch bền vững”
Không gian 3 của Franconomics – 2024 diễn ra trong không khí sôi động với sự tham gia trình bày của 5 dự án xuất sắc nhất trong cuộc thi “ÉCOJEUNES 2024 – Thanh niên cam kết vì tương lai xanh”. Sau vòng trình bày nhiệt huyết, cùng phần hỏi đáp và góp ý từ Ban Giám khảo, cuộc thi đã tìm ra dự án chiến thắng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của thanh niên với môi trường và tăng trưởng xanh đó là “Motioncharge” của nhóm thí sinh Tô Đông Anh Khoa, Dương Tuấn Mạnh, Đàm Thị Xuân Giao, Nguyễn Quỳnh Lam, Phạm Xuân Thanh, sinh viên trường Đại học VinUni. Giải Nhì thuộc về các thí sinh Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Thành Dương, Nguyễn Đức Lam, Đặng Kiến Quốc, Nguyễn Thị Linh Trang, học sinh trường THPT Quang Minh với dự án “Nghiên cứu và sử dụng Nano bạc tạo ra từ lá bàng già để bảo quản màu vẽ bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên”. Theo sau đó là ba dự án “A little Vietnam – Du lịch trách nhiệm kết hợp trồng cây” đến từ nhóm thí sinh Tào Vân Anh, Nguyễn Thị Yến Nhi, Đặng Lê Trà My, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân; “Hành trình xanh của Minh” đến từ nhóm thí sinh Phạm Ngọc Quý, Ngô Thị Thơm, Vũ Thị Thuý Vân, Nguyễn Thị Thanh Thuý, Lục Bảo Khánh, sinh viên Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN và “Tận dụng phế phẩm nông nghiệp – Từ vỏ trấu đến ống hút: Hành trình của sự bền vững” đến từ nhóm thí sinh Đỗ Hà Lan, Nguyễn Duy Tú, Trần Thị Thanh Hương, sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN cùng nhận giải Ba. Ngoài ra, Ban Tổ chức cuộc thi cũng trao thêm 5 giải Khuyến khích và 5 giải Triển vọng cho các dự án còn lại trong Top 15.
Cuộc thi ÉCOJEUNES – Thanh niên cam kết vì tương lai xanh
Franconomics – 2024 diễn ra trong không khí sôi nổi, mang lại nhiều thông tin và kinh nghiệm quý giá về năng lượng tái tạo. Sau 5 năm tổ chức thành công, sự kiện lần này tiếp tục mở ra những cơ hội mới, kết thúc tốt đẹp vào chiều ngày 16/10/2024 tại trường Đại học VinUni.
Xem nhiều thông tin hay tại: https://iped.edu.vn/bai-viet/