Phát triển đội ngũ giảng viên cốt cán về thiết kế dạy học kết hợp tại ĐHQGHN

Phát triển đội ngũ giảng viên

Phát triển đội ngũ giảng viên cốt cán về thiết kế dạy học kết hợp tại ĐHQGHN. Trong khuôn khổ thực hiện Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học (PHER) với Hoa Kỳ do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD), ĐHQGHN phối hợp với Dự án PHER tổ chức Phiên hỗ trợ kỹ thuật: Phát triển năng lực giảng dạy cho giảng viên về thiết kế dạy học kết hợp (tên Tiếng Anh: Training of Trainers (ToT) Program – Faculty Professional Development for Blended Learning) từ tháng 6/2024 đến tháng 9/2024.

Trong bối cảnh gia tăng quy mô tuyển sinh và nhu cầu cấp thiết về thực hiện cá thể hóa giáo dục, việc tổ chức giảng dạy, học tập theo mô hình kết hợp (blended learning) trong các cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt quan trọng. Mô hình Blended learning vừa cho phép tối ưu hóa nguồn lực giảng viên, học liệu, cơ sở hạ tầng, vừa giúp hoạt động dạy học có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu và năng lực học tập rất khác nhau của người học. Có thể nói, dạy học kết hợp đang là một xu thế nổi bật trong giáo dục đại học trên thế giới, thu hút được sự quan tâm lớn của các trường đại học hàng đầu.

Chương trình hỗ trợ này được thiết kế và tổ chức thực hiện bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm về thiết kế khóa học trực tuyến/ kết hợp của Hoa Kỳ do Dự án PHER tài trợ và Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện ĐBCLGD phối hợp triển khai. Chương trình giúp giảng viên hiểu được các nguyên tắc cơ bản của việc thiết kế học phần kết hợp; lập kế hoạch và thiết kế được một học phần dạy học kết hợp; tìm hiểu cách thức ứng dụng phương pháp và công nghệ để tổ chức dạy học kết hợp hiệu quả; tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá hiệu quả trong mô hình dạy học kết hợp.

Điểm nổi bật của chương trình này là giảng viên ĐHQGHN được trải nghiệm học tập theo hình thức đào tạo kết hợp. Theo đó, trong tuần học đầu tiên của Chương trình, học viên được hướng dẫn và tự học trên lớp học trực tuyến (từ ngày 6/6/2024), tham gia 2 ngày học tập trực tiếp dưới sự hướng dẫn của 02 chuyên gia (vào ngày 13-14/6/2024), sau đó tiếp tục tự học và tham gia các buổi webinar trực tuyến hằng tháng do chuyên gia hướng dẫn (đến tháng 9/2024). Các hoạt động học tập kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, lí thuyết và thực hành. Lộ trình và thơi gian học tập được thiết kế linh hoạt, phù hợp với đặc thù công việc của giảng viên.

Chương trình hỗ trợ kỹ thuật này được thiết kế dành cho cả giảng viên mới bắt đầu và giảng viên có kinh nghiệm muốn nâng cao kỹ năng về học tập kết hợp. Chương trình cũng cung cấp các tài nguyên hữu ích như hướng dẫn thực hành, mẫu tài liệu thiết kế dạy học, các bài báo nghiên cứu và danh sách công cụ, công nghệ hỗ trợ giảng dạy. Ngoài phần Giới thiệu tổng quan về Dạy học kết hợp nhằm giúp người học hiểu cách tổ chức khóa học và cách tham gia khóa học một cách hiệu quả, cấu trúc nội dung khóa học gồm 8 chương như sau:

Chương 1: Các yếu tố thiết yếu của Dạy học kết hợp (Essential Elements of Blended Learning)

Chương 2: Các Nguyên tắc cơ bản của Dạy học kết hợp (Basic Principles of Blended Learning)

Chương 3: Các Nguyên tắc nâng cao của Dạy học kết hợp (Advanced Principles of Blended Learning)

Chương 4: Kiểm tra đánh giá trong Dạy học kết hợp (Student Learning Assessment)

Chương 5: Xây dựng chương trình dạy học kết hợp (Syllabi Development)

Chương 6: Thiết kế giảng dạy (Instructional Design Guidance)

Chương 7: Tích hợp Công nghệ (Technology Integration)

Chương 8: Đảm bảo Khả năng tiếp cận học tập (Ensuring Accessibility)

Khóa đào tạo hướng tới cung cấp cho giảng viên kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết để thiết kế, xây dựng và giảng dạy hiệu quả các khóa học kết hợp.

Về tổng thể, Chương trình Phát triển năng lực giảng dạy cho giảng viên về thiết kế dạy học kết hợp được triển khai theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 của Chương trình, Viện ĐBCLGD tuyển chọn 65 giảng viên tích cực trong hoạt động đổi mới giảng dạy tại các đơn vị đào tạo thành viên, trực thuộc ĐHQGHN với mục tiêu đào tạo nhóm giảng viên cốt cán có đủ năng lực chuyên môn và có tinh thần sẵn sàng tham gia tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp tại đơn vị có nhu cầu triển khai xây dựng học phần theo tiếp cận dạy học kết hợp sau khi hoàn thành chương trình tập huấn. Ở giai đoạn tiếp theo, các giảng viên cốt cán sẽ tham gia trực tiếp vào hoạt động tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn giảng viên tại đơn vị về thiết kế dạy học kết hợp.

Giảng viên cốt cán của Chương trình có các quyền lợi và trách nhiệm cụ thể là: Được chuyên gia về khoa học giáo dục của Hoa Kỳ do Dự án PHER tuyển chọn trực tiếp hướng dẫn, tư vấn về thiết kế học phần trực tuyến; Được tiếp cận và sử dụng nguồn tài liệu do chuyên gia thiết kế và cung cấp phục vụ cho hoạt động chuyên môn; Được chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy và Trung tâm Đào tạo trực tuyến, Viện ĐBCLGD tư vấn, hỗ trợ tổ chức học phần dạy học kết hợp sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến của ĐHQGHN (VNU LMS); Được tham gia và trao đổi chuyên môn trong mạng lưới giảng viên thực hành về đổi mới phương pháp và công nghệ dạy học tại ĐHQGHN do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện ĐBCLGD điều phối; Đóng góp cho hoạt động đổi mới giảng dạy tại đơn vị thông qua việc chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ kinh nghệm chuyên môn về đào tạo kết hợp cho đồng nghiệp; Được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình.

Chuyên gia của Dự án PHER, PGS.TS Michael Truong hiện là Giám đốc Phát triển Giảng viên, Văn phòng Hiệu trưởng, Đại học Azusa Pacific, Hoa Kì. PGS.TS Michael Truong đã có hơn 20 năm kinh nghiệm thiết lập, thúc đẩy và nhân rộng các sáng kiến phát triển giảng viên và học tập kỹ thuật số tại các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục ở Hoa Kỳ và Châu Á. TS. Tasha Bleistein là giáo sư, Giám đốc Chương trình MA TESOL và Phó Trưởng khoa Lâm thời của Trường Cao đẳng Khoa học và Nghệ thuật Tự do tại Đại học Azusa Pacific. TS. Tasha Bleistein đã giảng dạy 11 năm ở Trung Mỹ và Châu Á trước khi làm việc trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Cô có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về học tập trực tuyến và kết hợp, công nghệ giáo dục, phương pháp sư phạm ngôn ngữ và thiết kế chương trình giảng dạy. TS. Tasha Bleistein cũng đã từng tham gia phát triển các khóa học trực tuyến cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ Dự án PHER, Phiên hỗ trợ kỹ thuật về Phát triển năng lực giảng dạy cho giảng viên về Thiết kế dạy học kết hợp sẽ được triển khai cho giảng viên tại 3 đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh trong năm 2024.

Từ năm 2023, Viện ĐBCLGD, ĐHQGHN đã tích cực phối hợp với Dự án PHER triển khai các hoạt động nhằm cải thiện quy trình đảm bảo chất lượng bên trong tại ĐHQGHN và thúc đẩy Đổi mới giảng dạy, trong đó tập trung vào các hoạt động triển khai đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp, đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy tại ĐHQGHN.

Tìm hiểu các chương trình thạc sĩ tại ĐHQGHN